BỘ TƯ PHÁP
___________
Số: 684/TCBC-BTP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2016
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
ban hành trong tháng 02 năm 2016
____________________________________
Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2016 như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 02 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 04 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
3. Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
4. Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 04/2016/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ số mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020.
3. Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
4. Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.
5. Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
a) Hiệu lực thi hành: 20/03/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và tạo thuận lợi cho việc ban hành các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định này gồm 09 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ làm việc và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo Nghị định, cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ; thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Nghị định quy định cụ thể về vị trí và chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ làm việc của cơ quan thuộc Chính phủ; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
2. Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
a) Hiệu lực thi hành: 01/4/2016.
Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Điểm a Mục 4 Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định ban hành nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; phù hợp với thực tế và xu hướng hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 20 điều, quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động về cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; việc trục xuất lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.
Nghị định này áp dụng đối với: (i) Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây: Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; (ii) Người sử dụng người lao động nước ngoài, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng; Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định cụ thể về người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tình nguyện viên, chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật; xác định công việc được sử dụng người lao động nước ngoài; người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp giấy phép lao động; cấp lại giấy phép lao động; thu hồi giấy phép lao động, trục xuất người lao động nước ngoài; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
3. Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phù hợp với yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ đã được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 8 điều, ban hành kèm theo 01 phu lục, quy định về đối tượng chịu phí, người nộp phí, mức thu, phương pháp tính phí và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại).
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Nghị định quy định cụ thể về mức phí; phương pháp tính phí; quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
4. Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
a) Hiệu lực thi hành: 08/4/2016.
Các quy định về quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 83/2001/NĐ-CP; đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 24 điều, quy định trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Nghị định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
5. Quyết định số 04/2016/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ số mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
a) Hiệu lực thi hành: 20/3/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm hướng dẫn một số vấn đề bất cập trong thực tiễn về áp dụng hệ số mức lương cơ sở đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều, quy định hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quyết định này áp dụng đối với công chức, viên chức trong chỉ tiêu biên chế và số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Điều 1 Quyết định này đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, gồm Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao (không bao gồm các trường hợp sau: Người làm việc tại các Ban Quản lý dự án thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; người đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ; người đi học tập trung trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên; người nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên; người nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; người bị đình chỉ công tác, bị tạm giam).
Quyết định quy định cụ thể về hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm; nguồn kinh phí chi trả; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
6. Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020.
a) Hiệu lực thi hành: 25/3/2016.
Quyết định này thay thế Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012 - 2015 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 đến năm 2020.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh do Bộ Tài chính thu theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, áp dụng cho giai đoạn từ năm tài chính 2016 đến 2020.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính; (2) Các đơn vị tham gia trực tiếp vào hoạt động quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 và các đơn vị có thành tích đóng góp trực tiếp cho hoạt động quản lý nợ công quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quyết định này.
Quyết định quy định cụ thể về mục tiêu, yêu cầu; phân bổ kinh phí; sử dụng kinh phí; tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
7. Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, quy định về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Quyết định này áp dụng đối với chuyên gia nước ngoài được tuyển chọn để trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trên cơ sở thống nhất giữa tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cơ quan chủ quản dự án của Việt Nam quy định tại văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Quyết định quy định cụ thể về điều kiện miễn thuế; thu nhập miễn thuế và điều khoản thi hành.
8. Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.
a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, quy định về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Quyết định này áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng để làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam (không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam được tuyển dụng và làm việc theo giờ tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam).
Quyết định quy định cụ thể về điều kiện miễn thuế; thu nhập miễn thuế và điều khoản thi hành.
9. Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
a) Hiệu lực thi hành: 10/4/2016.
Bãi bỏ Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 11 điều, quy định về mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tập trung (việc mua sắm các loại tài sản sau đây không thực hiện theo quy định tại Quyết định này: (1) Tài sản đặc biệt và tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân; tài sản của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài; (2) Tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác với quy định tại Quyết định này).
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Đơn vị mua sắm tập trung (gồm: Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia; đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia; đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh); (2) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Ban Quản lý dự án thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp sử dụng tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
Quyết định quy định cụ thể về nguồn kinh phí mua sắm tập trung; áp dụng cách thức thực hiện mua sắm tập trung; danh mục tài sản mua sắm tập trung; trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung; lộ trình áp dụng mua sắm tập trung; quản lý, sử dụng nguồn thu, kinh phí tiết kiệm được thông qua mua sắm tập trung; công khai mua sắm tập trung; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Chánh Văn phòng (để báo cáo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Báo Điện tử Chính phủ;
- Cục CNTT Bộ Tư pháp;
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Vụ PBGDPL;
- Lưu: VT, VP.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
(Đã ký)
Phan Anh Tuấn
|
(Theo Chinhphu.vn)