BỘ TƯ PHÁP
___________
Số: 77/TCBC-BTP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2016
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
ban hành trong tháng 12 năm 2015
__________________________________
Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2015 như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 12 năm 2015, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 11 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 125/2015/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay.
2. Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
3. Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
4. Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ.
5. Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
6. Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
7. Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
8. Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
9. Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
10. Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
11. Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a.
2. Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
3. Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
4. Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính.
5. Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 125/2015/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay.
a) Hiệu lực thi hành: 26/01/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 24 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế; góp phần vào sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, bảo đảm tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định này gồm 06 chương, 35 điều, quy định chi tiết về tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay và quản lý hoạt động bay đặc biệt tại Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến quản lý hoạt động bay tại Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về tổ chức vùng trời phục vụ hoạt động bay; đường hàng không; thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố đường hàng không; nguyên tắc sử dụng đường hàng không; vùng trời sân bay; thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; xác định và công bố khu vực nguy hiểm; vùng trời cho hoạt động hàng không chung; khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng; khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không sân bay.
2. Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất như sau:
- Bổ sung các chất vào Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”;
- Bổ sung các chất vào Danh mục IV “Các tiền chất”;
- Sửa mục ghi chú dưới Danh mục I, Danh mục II, Danh mục III thành “Danh mục này bao gồm cả các muối, dẫn xuất có thể tồn tại của các chất thuộc danh mục nêu trên”; sửa mục ghi chú dưới Danh mục IV thành “Danh mục này bao gồm cả các muối có thể tồn tại của các chất thuộc danh mục nêu trên trừ muối của Hydrochloric acid và muối của Sulfuric acid; các muối này do Bộ chuyên ngành quy định”;
- Sửa tên Danh mục III thành “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
3. Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công thương.
a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 117/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Công nghiệp và Nghị định số 103/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Điện lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thống nhất về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công thương từ Trung ương đến địa phương và cụ thể hóa Luật Thanh tra năm 2010; phù hợp với thực tiễn hoạt động thanh tra ngành Công thương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 46 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Công thương; Thanh tra viên ngành Công thương, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Công thương; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Công thương.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, Sở Công thương; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, Sở Công thương.
Nghị định quy định cụ thể về Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Công thương bao gồm: (1) Cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Bộ Công thương, Thanh tra Sở Công thương); (2) Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục Năng lượng, Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin; Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương); tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra ngành Công thương; hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành công thương; kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, chế độ thông tin báo cáo và thanh tra lại; thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra ngành Công thương, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Công thương; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
4. Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ.
a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung Phụ lục Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia như sau: Bỏ Mục 2 Phần VII; bổ sung Mục 1 Phần II như sau: “đ) Nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng”.
5. Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và Nghị định số 57/2009/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
Thủ tục tuyển chọn, chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và Nghị định số 57/2009/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân cho đến thời điểm Luật Nghĩa vụ quân sự và văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ có hiệu lực thi hành.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 15 điều, quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc tuyển chọn; đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ; tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự tuyển chọn; phong, thăng, giáng cấp bậc hàm; chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp; chế độ, chính sách trong thời gian phục vụ và khi xuất ngũ; xuất ngũ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; xử lý vi phạm; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
6. Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2016.
Bãi bỏ Nghị định số 03/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, bao gồm: tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 35 điều, hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, bao gồm: Tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án quan trọng quốc gia.
Nghị định quy định cụ thể về tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc; trình tự, thủ tục và nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; trình tự, thủ tục và nội dung thẩm định quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
7. Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
a) Hiệu lực thi hành: 01/07/2016.
Nghị định này bãi bỏ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; phù hợp với các luật mới được ban hành và tạo thuận lợi hơn cho việc tra cứu của các lực lượng thực thi pháp luật và các tổ chức, cá nhân khác, tiết kiệm chi phí trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 47 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam.
Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa ở ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải cũng được áp dụng các quy định xử phạt tại Nghị định này.
Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến giao thông đường thủy nội địa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng các quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan.
Nghị định áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam; (2) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; (3) Người điều khiển tàu biển, người điều khiển tàu cá khi hoạt động trên đường thủy nội địa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 32 hoặc người điều khiển tàu cá có hành vi vi phạm quy định tại Điều 13, Điều 22 của Nghị định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều đó (đối với những hành vi vi phạm hành chính khác thì áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thủy sản để xử phạt).
Nghị định quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả và áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính; hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
8. Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng và các quy định trái với Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Nghị định được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 22 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo tại Khoản 2 Điều 40; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở tại Khoản 2 Điều 41; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng tại Khoản 2 Điều 43; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong phối hợp hoạt động.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Kiểm ngư; (2) Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Công an cấp xã; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc phối hợp hoạt động; Quy chế phối hợp hoạt động; thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; kế hoạch phối hợp hoạt động; trao đổi thông tin, giao ban, sơ kết, tổng kết; kiểm tra phối hợp hoạt động; kinh phí phối hợp hoạt động; phối hợp của Dân quân tự vệ trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; phối hợp của Dân quân tự vệ trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; phối hợp của Dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
9. Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2016 (trừ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này).
Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; (2) Nghị định số 134/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 18 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội; (2) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị định quy định cụ thể về chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; thời điểm đóng; thủ tục đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thủ tục hưởng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
10. Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai hướng dẫn Luật Đầu tư 2014; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhà đầu tư và các đối tượng liên quan triển khai thực hiện; quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với các hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 39 điều, quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Nhà đầu tư (gồm tổ chức kinh tế theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư; cá nhân có quốc tịch Việt Nam thuộc đối tượng được tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài); (2) Các cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này; (3) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; (4) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư) không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định cụ thể về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của cá nhân; phương thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; hình thức đầu tư gián tiếp ở nước ngoài; công cụ đầu tư; các trường hợp đầu tư khác; nguồn vốn để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; mở tài khoản để tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động đầu tư gián tiếp ở nước ngoài về Việt Nam; tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hàng năm, hạn mức tự doanh, hạn mức nhận ủy thác; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của các Bộ, ngành, nhà đầu tư và các đối tượng liên quan; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
11. Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2010 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 21 điều, quy định chi tiết một số điều về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân gồm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hủy số định danh cá nhân, cấp, đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm trong việc triển khai thi hành Nghị định này.
Nghị định này áp dụng đối với công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân.
Nghị định quy định cụ thể về xây dựng, thu thập, cập nhật, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấu trúc, trình tự, thủ tục cấp, hủy số định danh cá nhân; sao lưu, phục hồi dữ liệu căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân.
12. Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a.
a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung Điều 1; Khoản 1 Điều 2; Điểm đ Khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a.
13. Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2016.
Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Người lao động bị thu hồi đất kinh doanh có quyết định thu hồi đất sau ngày 01 tháng 7 năm 2014 được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo quy định tại Quyết định này.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 09 điều, quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Quyết định này áp dụng đối với người lao động bị thu hồi đất bao gồm: (1) Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi; (2) Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở.
Quyết định quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ; thời hạn hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức thực hiện; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
14. Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2016.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động đã lập dự toán đề nghị hỗ trợ gửi các cấp có thẩm quyền trước khi Quyết định này có hiệu lực mà chưa được phê duyệt hỗ trợ thì tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg; hồ sơ dự toán đề nghị hỗ trợ được lập sau khi Quyết định này có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, chia sẻ trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nhà nước và trong điều kiện tình hình ngân sách nhà nước gặp khó khăn.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Khoản 3 Điều 3 về áp dụng định mức lao động; Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 và Điều 7 của Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
15. Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính.
a) Hiệu lực thi hành: 05/02/2016.
Quyết định này thay thế Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính.
b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính.
Theo Quyết định, Tổng cục Hải quan là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan trong phạm vi cả nước.
Cơ cấu tổ chức hải quan ở Trung ương bao gồm 16 tổ chức (trong đó có 13 tổ chức là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 03 tổ chức là tổ chức sự nghiệp).
Cơ cấu tổ chức hải quan ở địa phương bao gồm: (1) Các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Tổng cục Hải quan; (2) Các Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
16. Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa, phát huy thế mạnh quốc gia, đảm bảo bền vững và làm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất trong cả nước.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều, quy định về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Quyết định quy định cụ thể về tiêu chí xác định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thẩm quyền công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hồi Quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Báo Điện tử Chính phủ;
- Cục CNTT Bộ Tư pháp;
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Vụ PBGDPL;
- Lưu: VT, VP.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
(Đã ký)
Trần Tiến Dũng
|
(theo chinhphu.vn)