Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia...
Kinh tế-xã hội Kon Tum phát triển tương đối toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, 6 tháng đầu năm tăng 7,9%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 9,25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh...
Tuy nhiên, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn; quy mô kinh tế và thị trường còn nhỏ, nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh chưa được phát huy; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu đồng bộ; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa bền vững, thiếu liên kết; các doanh nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa cao, chỉ số PCI cấp tỉnh ở mức thấp, chất lượng nguồn lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...
Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kon Tum cần tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2018, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo; tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 xây dựng các cấp chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh để thu hút các nhà đầu tư; tăng cường quản lý đầu tư, hạn chế tình trạng chậm, không triển khai dự án.
Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường hợp tác, liên kết mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển nhiều thương hiệu nông sản; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị và phát triển bền vững những sản phẩm thế mạnh của tỉnh; tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược, phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia; có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, đặc biệt chú trọng bảo tồn nguồn gen thuần chủng của sâm Ngọc Linh.
Đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch và kết nối với các tuyến du lịch của địa phương khác; đẩy mạnh xúc tiến và khuyến khích người dân tham gia quảng bá du lịch; xây dựng Kon Tum trở thành điểm du lịch quan trọng của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh tài nguyên, khoáng sản...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và bảo vệ môi trường; làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh trồng rừng tập trung, tái sinh rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ rừng.
Chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực, lồng ghép hiệu quả để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bảo đảm phát triển bền vững...
Sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập mới các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN trước ngày 20/10/2018.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hư hỏng cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi trong thời gian nhanh nhất; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến các hư hỏng, xử lý nghiêm theo quy định.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB); đây là công trình quan trọng trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tập trung thực hiện, đưa Dự án vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực miền Trung, giảm tải cho Quốc lộ 1, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào khai thác đoạn Km 0+00 đến Km 65+00, công trình đã xảy ra hiện tượng hư hỏng mặt đường, được báo chí phản ánh, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã tập trung kiểm tra, chỉ đạo nhưng việc thực hiện khắc phục còn chậm, chưa kịp thời.
Để khắc phục nhanh, đáp ứng yêu cầu hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và cả nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, các đơn vị tư vấn khẩn trương làm rõ nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) của các hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn cho các phương tiện giao thông.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng, chủ đầu tư (VEC), các đơn vị tư vấn, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân (nhà thầu thi công; tư vấn giám sát…) liên quan đến các hư hỏng nêu trên, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang trong thời gian bảo hành. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với VEC chỉ đạo các đơn vị liên quan và các nhà thầu thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ trong quá trình khai thác, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt./.