BỘ TƯ PHÁP
___________
Số: 1926/TCBC-BTP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2016
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
ban hành trong tháng 5 năm 2016
_________________________
Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2016 như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 5 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 12 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
2. Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
3. Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
4. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
5. Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
6. Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
7. Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.
8. Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
9. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
10. Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
11. Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
12. Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 17/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
3. Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
4. Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
5. Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
a) Hiệu lực thi hành: 25/6/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 114/2013/NĐ-CP; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 43 điều, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng; hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
2. Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
a) Hiệu lực thi hành: 26/6/2016.
Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để phù hợp với các luật, pháp lệnh mới được ban hành; khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 20/2009/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển các hoạt động của hàng không dân dụng, quân sự, quy hoạch không gian đô thị, đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 29 điều, ban hành kèm theo 06 phụ lục, quy định về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; cảnh báo chướng ngại vật hàng không; quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; độ cao công trình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không tại Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về quy hoạch xây dựng, quản lý tĩnh không sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; kinh phí bảo đảm; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
3. Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
a) Hiệu lực thi hành: 26/6/2016.
Các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016: (1) Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã bội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân; (2) Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 68/2007/NĐ-CP và Nghị định số 153/2013/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 25 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân); (2) Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (bao gồm hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí); (3) Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội; (4) Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định này trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí ở trong nước và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định này; (5) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; cơ quan, tổ chức có sử dụng người làm công tác cơ yếu; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Nghị định quy định cụ thể về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; quỹ bảo hiểm xã hội; tổ chức, thực hiện bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
4. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2016.
Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 100/2010/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Công báo; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ được giao trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai có hiệu quả các quy định của Luật năm 2015.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 11 chương, 189 điều, ban hành kèm theo 05 phụ lục, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động của chính sách; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật (trừ văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước); Công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định quy định cụ thể về xác định văn bản quy phạm pháp luật; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
5. Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2016.
Nghị định này thay thế Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP; Điều 4 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về nông nghiệp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y (cụ thể gồm: Điều 6, Điều 23, Điều 61, Khoản 5 Điều 78, Điều 108) và hướng dẫn cụ thể chi tiết về một số nội dung mà trong Luật Thú y chưa có hướng dẫn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 24 điều, ban hành kèm theo 03 phụ lục, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thú y, cụ thể như sau: (1) Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn; (2) Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; (3) Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật; (4) Điều kiện sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP; (5) Điều kiện hành nghề thú y.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn; kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật; điều kiện sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; điều kiện hành nghề thú y; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
6. Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật An toàn, vệ sinh lao động; mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần thúc đẩy phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 38 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (bao gồm cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương); (2) Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội; (3) Người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nghị định quy định cụ thể về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và một số chế độ khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều kiện, mức, hồ sơ và trình tự hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động; quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
7. Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.
a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2016.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 37 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định chi tiết Khoản 6 Điều 13, Điều 15, Điều 25, Điều 32 và Khoản 3 Điều 48 của Luật Khí tượng thủy văn (bao gồm: Quan trắc khí tượng thủy văn của chủ công trình và việc cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn; hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định quy định cụ thể về quan trắc khí tượng thủy văn của chủ công trình và việc cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn; hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành.
8. Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.
Bãi bỏ Điều 23 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, cụ thể như sau: Sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Khoản 8 Điều 19, Điều 20, Khoản 4 Điều 21, Điều 22; bổ sung Điều 16a; bổ sung Điều 19a, Điều 19b; sửa đổi Khoản 3 Điều 29 và Khoản 2 Điều 48; bãi bỏ Điều 23.
9. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.
Nghị định này thay thế các Nghị định sau đây: (1) Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; (2) Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 82 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt).
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Người có thẩm quyền xử phạt; (3) Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Nghị định quy định cụ thể về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng; hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt; thẩm quyền, thủ tục xử phạt; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
10. Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
a) Hiệu lực thi hành: 15/7/2016.
Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Nghị định này áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Điều 1 Nghị định này bao gồm: (1) Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; (2) Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; (3) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010; (4) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 86/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ); (5) Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; (6) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; (7) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; (8) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; (9) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Nghị định quy định cụ thể về mức lương cơ sở; kinh phí thực hiện; hiệu lực thi hành; trách nhiệm hướng dẫn và thi hành.
11. Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
a) Hiệu lực thi hành: 15/7/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao các hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, đồng thời để triển khai thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1097/2015/NQUBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 11 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức; biên chế; mối quan hệ công tác; chế độ làm việc; kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
12. Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.
Các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí và hóa đơn không nêu tại Nghị định này thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, cụ thể như sau:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá: Sửa đổi, bổ sung Điểm d và đ Khoản 1 Điều 3; Khoản 6, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 5; Điều 8; >Điều 11; Khoản 1, Khoản 2 Điều 12; Điều 14; Khoản 2 và Khoản 5 Điều 15; Khoản 11 Điều 18; Điều 21; Khoản 6 và Khoản 7 Điều 42; bổ sung Điều 15a.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí: Sửa đổi, bổ sung Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 32.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn: Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 6 Điều 34, Khoản 1 Điều 37; Khoản 1 Điều 39; sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và bổ sung Khoản 4 vào Điều 40; bổ sung Điểm g vào Khoản 3 Điều 38; bổ sung Khoản 5a vào Điều 44; bổ sung Khoản 1a vào Điều 37; bãi bỏ Điểm a Khoản 4 Điều 38.
13. Quyết định số 17/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
a) Hiệu lực thi hành: 20/6/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của dự án, từ quá trình đầu tư xây dựng đến việc khai thác, vận hành.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Quyết định này áp dụng đối với công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Điều 1 Quyết định này làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (không áp dụng trong thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đi học tập trung trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên; nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng, liên tục trở lên; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; bị đình chỉ công tác, bị tạm giam).
Quyết định quy định cụ thể về hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm; nguồn kinh phí chi trả; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
14. Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ với các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, đồng thời vẫn bảo đảm việc bảo vệ môi trường.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, ban hành kèm theo 02 phụ lục, quy định các trường hợp, điều kiện, tiêu chí, thủ tục xem xét, cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin thuộc Danh mục cấm nhập khẩu và cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động này.
Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; điều kiện, tiêu chí đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; thẩm quyền cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; thủ tục cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
15. Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
a) Hiệu lực thi hành: 21/6/2016.
Quyết định này thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phù hợp với Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Quy chế gồm 04 chương, 10 điều, quy định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quy chế này áp dụng đối với: (1) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (2) Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa phương.
Quy chế quy định về nguyên tắc xác định trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động; trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; trách nhiệm của các Bộ, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nội dung phối hợp; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp; trách nhiệm trong chỉ đạo công tác phối hợp; sơ kết, tổng kết; báo cáo và khen thưởng, kỷ luật; điều khoản thi hành.
16. Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
a) Hiệu lực thi hành: 26/6/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành về một số nội dung chi, mức chi; triển khai các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập, quyền sở hữu của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đáp ứng yêu cầu của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quyết định này áp dụng đối với các lực lượng có chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm Công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, kiểm lâm, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thuế, hải quan và các lực lượng chức năng khác của Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định của pháp luật).
Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc hỗ trợ kinh phí hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu; nguồn kinh phí hỗ trợ; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ; nội dung chi và mức chi hỗ trợ; nguồn kinh phí thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
17. Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
a) Hiệu lực thi hành: 15/7/2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm sự quản lý thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, Quy chế gồm 03 chương, 11 điều, quy định nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương về phòng, chống bạo lực gia đình.
Quy chế quy định cụ thể về nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp; kinh phí thực hiện; phối hợp phòng ngừa bạo lực gia đình; phối hợp phát hiện sớm vụ việc bạo lực gia đình và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; phối hợp trong thống kê, báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT, CVP Trần Tiến Dũng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Báo Điện tử Chính phủ;
- Cục CNTT Bộ Tư pháp;
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Vụ PBGDPL;
- Lưu: VT, VP.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
(Đã ký)
Phan Anh Tuấn
|