THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thán

 
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 03 năm 2016
9/4/2016 12:00:00 AM
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 03 năm 2016
Theo nguồn Cổng Thông tin Chính phủ

 

BỘ TƯ PHÁP

___________

Số: 1123/TCBC-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 8 tháng 4 năm 2016

 

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

 

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

ban hành trong tháng 03 năm 2016

 

_____________________________

 

 

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 03 năm 2016 như sau:

 

 

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

 

Trong tháng 03 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 09 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

 

Các Nghị định của Chính phủ:

 

1. Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai.

 

2. Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

 

3. Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

 

4. Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

 

5. Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 

6. Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh khí.

 

7. Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

 

8. Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

 

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

 

1. Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề.

 

2. Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.

 

3. Quyết định số 11/2016/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an.

 

4. Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 

5. Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020.

 

 

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

 

1. Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.

 

Nghị định số 42/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; Nghị định số 150/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 của Chính phủ về huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai; Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định ngành nghề chuyên môn của công dân nữ cần cho Quân đội, hết hiệu lực khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định này gồm 06 chương, 22 điều, quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai, chế độ, chính sách và kinh phí bảo đảm cho binh sĩ dự bị hạng hai.

 

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai.

 

Nghị định quy định cụ thể về ngành, nghề chuyên môn đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và sắp xếp, quản lý công dân nữ trong ngạch dự bị; miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

 

2. Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.

 

Bãi bỏ Điều 25 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành, phù hợp với hệ thống pháp luật chung của Việt Nam; kịp thời điều chỉnh những hành vi mới phát sinh trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, cụ thể như sau: Sửa đổi Khoản 2, Khoản 4 Điều 5, Điểm c Khoản 1 Điều 8, Khoản 1 Điều 12, Điều 14, Khoản 1 Điều 15, Điều 17, Điều 20, Điều 26, Khoản 1 Điều 28, Khoản 2, 3 và 4 Điều 29; sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 9, Khoản 2 Điều 10, Điều 21, Điều 22, Điều 24, Điều 27; bổ sung Điều 7a về thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

 

 

3. Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

 

a) Hiệu lực thi hành: 02/5/2016.

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư công, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chính sách hợp tác phát triển của nhà tài trợ nước ngoài đối với Việt Nam; khắc phục một số hạn chế, bất cập của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 68 điều, ban hành kèm theo 10 phụ lục, quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đối ứng của phía Việt Nam.

 

Nghị định quy định cụ thể về các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi; lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; nguyên tắc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án; ký kết điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vay vốn ưu đãi; quản lý thực hiện chương trình, dự án; quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và điều khoản thi hành.

 

 

4. Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

 

a) Hiệu lực thi hành: 02/5/2016.

 

Bãi bỏ các quy định tại Khoản 1 Điều 3, Điều 11, Điều 12 của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo cho việc tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan; bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính và tăng cường tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định sau: Khoản 1 Điều 3, Điều 11, Điều 12.

 

 

5. Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 

a) Hiệu lực thi hành: 23/3/2016.

 

Bãi bỏ Khoản 3 Điều 1 và đoạn “l) Được thu một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà Công ty Quản lý tài sản đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Số tiền tổ chức tín dụng trả cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định này được hạch toán vào chi phí của tổ chức tín dụng” tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 

b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, cụ thể như sau: Sửa đổi, bổ sung Điểm i và Điểm l của Khoản 1 Điều 13, Khoản 2 Điều 14; bổ sung Điều 20a về gia hạn trái phiếu đặc biệt vào sau Điều 20.

 

 

6. Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh khí.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/5/2016.

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và Điều 2 Nghị định số 118/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

 

Những quy định trước đây về quản lý kinh doanh khí trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 55 điều, quy định về kinh doanh khí và điều kiện kinh doanh khí tại thị trường Việt Nam.

 

Nghị định này áp dụng đối với thương nhân theo quy định của Luật Thương mại và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh khí; không áp dụng đối với thương nhân nhập khẩu, sản xuất và chế biến khí chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không lưu thông trên thị trường theo đăng ký với Bộ Công thương.

 

Nghị định quy định cụ thể về quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí; an toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; điều kiện kinh doanh dầu khí; quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dầu khí; kinh doanh dịch vụ dầu khí; trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

 

 

7. Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/5/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính khả thi; thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đồng thời, triển khai thực hiện các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 06 điều quy định về xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; (2) Cơ quan thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (3) Cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (4) Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (5) Cơ quan thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; (6) Cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; (7) Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

 

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; những hành vi bị nghiêm cấm; xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

 

8. Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/6/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các chủ trương, chính sách của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 14 điều, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; Đoàn thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trừ các đối tượng liên quan đến hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; (3) Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

 

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

 

9. Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tránh trường hợp sinh viên ngành y phải bỏ nghề giữa chừng vì không đủ khả năng về tài chính.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 15 điều, quy định chính sách tín dụng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội

.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Đối tượng được vay vốn quy định tại Điều 2 Quyết định này; (2) Ngân hàng Chính sách xã hội; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Quyết định quy định cụ thể về đối tượng được vay vốn; phương thức cho vay; điều kiện vay vốn; mức vốn cho vay; thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, trả nợ; trả nợ gốc và lãi tiền vay; ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn; xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan; trách nhiệm của các cơ quan; xử lý vi phạm và điều khoản thi hành.

 

 

10. Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.

 

a) Hiệu lực thi hành: 18/4/2016.

 

Bãi bỏ Quyết định số 22/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển trên phạm vi toàn quốc, nhân rộng lợi ích của loại hình thủ tục hiện đại này; phù hợp với tiêu chuẩn, khuyến nghị của Công ước tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế (Công ước FAL65) và đảm bảo thực thi Công ước này; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn mới.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

 

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, đồn Biên phòng cửa khẩu cảng và trạm Biên phòng cửa khẩu cảng thuộc đồn Biên phòng; (2) Chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền; các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài có liên quan trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển; (3) Tàu, thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh; tàu, thuyền, thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng (bao gồm cả các tàu thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí hoạt động ngoài khơi; tàu biển nước ngoài được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép vận tải nội địa; tàu, thuyền thuộc sở hữu của Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài); (4) Tàu, thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc tàu, thuyền vận chuyển chất phóng xạ; tàu, thuyền nước ngoài đến cảng thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển, khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác về môi trường trong vùng biển Việt Nam sau khi có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tàu, thuyền đến cảng.

 

Quyết định này không áp dụng đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tàu, thuyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam; tàu cá Việt Nam; tàu, thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa; tàu, thuyền nước ngoài vì lý do khẩn cấp xin vào tránh, trú bão hoặc bị tai nạn.

 

Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; xác nhận hoàn thành và từ chối thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển; nội dung thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; địa điểm, thời hạn thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; điều khoản và trách nhiệm thi hành.

 

 

11. Quyết định số 11/2016/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an.

 

a) Hiệu lực thi hành: 20/4/2016.

 

b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều, quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất theo phương án tổng thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị thuộc Bộ Công an (tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất đã thực hiện giao vốn cho doanh nghiệp thuộc Bộ Công an không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này).

 

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất theo quy định của pháp luật.

 

Quyết định quy định cụ thể về các khoản thu được từ việc sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

 

12. Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 

a) Hiệu lực thi hành: 28/4/2016.

 

Các tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg và Danh Mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để có cơ sở thực hiện các chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi trong năm 2016 và không làm thay đổi ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, quy định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh Mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn cho đến khi quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này có hiệu lực.

 

 

13. Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/5/2016.

 

Quyết định này áp dụng từ năm ngân sách 2016 đến năm ngân sách 2020 và bãi bỏ Quyết định số 16/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015.

 

b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 09 điều, quy định về cơ chế quản lý tài chính và biên chế áp dụng đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020.

 

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan; (2) Tổng cục Thuế; Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các đơn vị dự toán và các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Thuế; (3) Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị dự toán và các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Hải quan.

 

Quyết định quy định cụ thể về mục tiêu, yêu cầu; biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động; sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động; tiêu chuẩn, mức chi, chế độ chi; sử dụng kinh phí tiết kiệm; kinh phí bảo đảm hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp và tổ chức thực hiện.

 

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- TT, CVP Trần Tiến Dũng (để báo cáo);

- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Báo Điện tử Chính phủ;

- Cục CNTT Bộ Tư pháp;

- Báo Pháp luật Việt Nam;

- Vụ PBGDPL;

- Lưu: VT, VP.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG

KT. CHÁNH VĂN PHÒNG

PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG

(Đã ký)

Phan Anh Tuấn

 

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9