Theo nguồn Báo điện tử Thương hiệu và Công luận (THCL) - Việc đẩy mạnh thanh tra, xử lý hành vi sử dụng chất cấm đang được các bộ, ban ngành triển khai quyết liệt. Chính người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã đưa ra cam kết: Cuối năm nay, phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?
Tiêu hủy đàn heo dương tính với chất cấm tại tỉnh Tiền Giang
Chưa “ngấm đòn”?
Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây hại đến giống nòi. Sử dụng chất cấm salbutamol, thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, khiến những kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán.
Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi phải chịu tình trạng bị thương lái “ép” phải sử dụng chất cấm. Thương lái đưa chất cấm cho chủ trang trại trộn vào thức ăn và hứa mua lợn hơi với giá cao hơn, nếu không dùng thì họ sẽ không mua, hoặc chỉ mua với giá bèo bọt!
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam: Chất cấm trong chăn nuôi không phải là vấn đề mới. Từ năm 2006, đã phát hiện tồn dư chất cấm trong thịt và chăn nuôi. Năm 2011, phát hiện chất cấm trong thịt lợn siêu nạc và thức ăn chăn nuôi. NTD có phản ứng tự vệ tự nhiên và tiêu cực là chuyển sang ăn thực phẩm khác, chứ không tiêu thụ lợn.
Năm 2012, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường báo cáo về chất cấm trong thịt lợn. Nhờ có thông tin nhiều chiều mà người dân trở lại ăn thịt lợn, giúp ngành chăn nuôi tránh thiệt hại. Song đáng buồn là lẽ ra người chăn nuôi đã có sự cảnh tỉnh, nhưng giờ đây chất cấm lại trở lại, hại NTD và hại đồng nghiệp trong ngành chăn nuôi.
“Tôi đặt câu hỏi: “Vì sao chăn nuôi đã “ngấm đòn” rồi mà vẫn làm lại, có phải vì chưa nghiêm? Trước đây, chúng ta nhắc nhở, nhưng giờ đây đã phạt hành chính. Rõ ràng, tình trạng đã giảm đáng kể. Năm 2011, ông Cao Đức Phát nói hãy tẩy chay hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm. Thế mà, chất cấm vẫn quay trở lại, vì xử lý không nghiêm”, ông Hùng nêu ý kiến.
Quyết tâm dẹp!
Dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế và không nhân nhượng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã vào cuộc và phanh phui hàng trăm vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mới đây, lần đầu tiên, tại Tiền Giang đã tiến hành tiêu hủy những con heo được “vỗ” chất cấm.
Theo ông Hùng, hình ảnh tiêu hủy đàn lợn sống tại Tiền Giang phát trên tivi có tác động mạnh. Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam có đủ, Luật Hình sự 2015 đưa ra chế tài phạt nặng. Về luật pháp là rất ổn, nhưng quan trọng là thực thi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Vừa qua, Bộ đã cho phép áp dụng kit thử nhanh phát hiện các chất β- agonist tồn dư trong nước tiểu vật nuôi, bảo đảm cho phép cán bộ quản lý và người chăn nuôi có thể tự kiểm tra được chất cấm trong chăn nuôi ngay tại chuồng nuôi chỉ sau 5 phút là có kết quả mà ở những nơi vùng sâu, vùng xa cũng có thể kiểm tra được.
“Công tác thanh kiểm tra có kết quả nhất định nhờ vận dụng cách làm mới. Nếu như trước kia kiểm soát không được vì “nhắc nhở” là chính thì thời gian qua, chủ yếu tiến hành thanh tra đột xuất. Sau đó đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Việt nói.
Cùng với đó, từ 1/7/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có bổ sung) có hiệu lực thi hành - sẽ áp dụng mức phạt mạnh tay và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm ATVSTP. Điều 317 quy định chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản thực phẩm, sẽ đều bị xử phạt với hình phạt cao nhất 20 năm. Ngoài ra, mức phạt hành chính có thể lên đến trên 1 tỷ đồng. Điều này khẳng định một điều: Nếu tiếp tục sử dụng chất cấm, các hộ chăn nuôi sẽ không những trắng tay mà còn mắc vòng lao lý.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, trong quá trình triển khai rà soát văn bản, cần công bố danh mục sử dụng ở các ngành. Bảo đảm quản lý, nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng của DN, tránh tình trạng cái gì không quản được thì cấm.
Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho rằng, cần có hiệp hội tẩy chay những sản phẩm chứa chất cấm.
Đại diện Cục C49, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng 5 kiến nghị, Bộ luật Hình sự sắp có hiệu lực, nhưng phải có sự thống nhất áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nên có tập huấn với công tác thanh kiểm tra. C49 cũng sẽ phối hợp với thanh tra Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Đoàn Huế