THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thán

 
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2016
11/11/2016 12:00:00 AM
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2016
Theo nguồn Cổng thông tin Chính phủ

 

BỘ TƯ PHÁP

___________

Số: 4006/TCBC-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2016

 

 

 

 THÔNG CÁO BÁO CHÍ

 

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

ban hành trong tháng 10 năm 2016

 

______________________________

 

 

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2016 như sau:

 

 

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

 

 

Trong tháng 10 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 06 Nghị định của Chính phủ và 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

 

Các Nghị định của Chính phủ:

 

1. Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

 

2. Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.

 

3. Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

 

4. Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

 

5. Nghị định số 142/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

 

6. Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

 

1. Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

2. Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội.

 

3. Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

 

4. Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

 

5. Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg 19 ngày tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

 

6. Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.


7. Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.


8. Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

 

 

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

 

 

1. Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/10/2016.

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; khắc phục các hạn chế, bất cập của Quy chế làm việc của Chính phủ hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

 

Quy chế gồm 08 chương, 50 điều, quy định về nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức, quy trình giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Quy chế quy định cụ thể về nguyên tắc làm việc của Chính phủ; trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc; trách nhiệm, quy trình giải quyết công việc; chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; phiên họp của Chính phủ và các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp khách, đi công tác; chế độ thông tin, báo cáo.

 

2. Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/01/2017.

 

Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế môn bài và Điều 18 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành Luật phí và lệ phí năm 2015; tạo khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phí và lệ phí năm 2015.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về người nộp lệ phí môn bài; miễn lệ phí môn bài; mức thu và khai, nộp lệ phí môn bài.

 

Nghị định quy định cụ thể về người nộp lệ phí môn bài (là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm: (1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã; (3) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; (4) Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; (5) Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh; (6) Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 (nếu có); (7) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh); các trường hợp được miễn lệ phí môn bài; các mức thu lệ phí môn bài; việc khai, nộp lệ phí môn bài; hiệulực và trách nhiệm thi hành.

 

3. Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/01/2017.

 

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các quy định sau hết hiệu lực: (1) Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 về lệ phí trước bạ; (2) Quy định về khai, thu, nộp và quản lý lệ phí trước bạ tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

 

Bãi bỏ các quy định sau đây: (1) Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; (2) Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để đảm bảo căn cứ pháp lý, đảm bảo chính sách thu lệ phí trước bạ công bằng, minh bạch, phù hợp với quy định của Luật phí và lệ phí và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ qua mạng; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của chính sách lệ phí trước bạ hiện hành.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 13 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về đối tượng chịu lệ phí trước bạ, người nộp lệ phí trước bạ, căn cứ tính lệ phí trước bạ, ghi nợ, miễn lệ phí trước bạ, chế độ khai, thu, nộp và quản lý lệ phí trước bạ.

 

Nghị định quy định cụ thể về đối tượng chịu lệ phí trước bạ (gồm: nhà, đất; súng săn, súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của tài sản quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 được thay thế mà phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền); người nộp lệ phí trước bạ; áp dụng điều ước quốc tế; căn cứ tính lệ phí trước bạ; giá tính lệ phí trước bạ; mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%); ghi nợ lệ phí trước bạ; miễn lệ phí trước bạ; khai, thu, nộp lệ phí trước bạ; quản lý lệ phí trước bạ; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

4. Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

 

a) Hiệu lực thi hành: 20/12/2016.

 

b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 26 điều, quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác (không điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ).

 

Nghị định áp dụng đối với: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; (2) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (nếu có), được áp dụng các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

Nghị định quy định cụ thể về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệpkinhtế, sự nghiệp khác, bao gồm: (1) Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự; (2) Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; (3) Tự chủ tài chính đốivớiđơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên; tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp); tự chủ trong giao dịch tài chính; nghĩa vụ tài chính, quản lý tài sản Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác; lập, chấp hành dự toán thu, chi.

 

Nghị định còn có quy định về việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác; điều kiện, nội dung đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp; đối tượng, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thành công ty cổ phần; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương,Ủy bannhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác; hiệu lực thi hành.

 

5. Nghị định số 142/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/12/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành làm cơ sở để Bộ Quốc phòng xây dựng lực lượng chuyên trách ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng trong trường hợp có yếu tố nước ngoài và Bộ Công an xây dựng lực lượng chuyên trách ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân trong nước.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 30 điều, quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Việt Nam.

 

Nghị định áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham gia hoặc có liên quan đến xung đột thông tin trên mạng; (2) Tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các hoạt động gây xung đột thông tin trên mạng tại Việt Nam.

 

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; kinh phí đảm bảo; trách nhiệm của cơ quan nghiệp vụ; cung cấp thông tin; giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng; tiếp nhận và xử lý xung đột thông tin trên mạng; nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; vai trò, trách nhiệm trong xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; chặn lọc thông tin trên mạng; khắc phục xung đột thông tin trên mạng; loại trừ xung đột thông tin trên mạng; thông tin, tuyên truyền, giáo dục và hợp tác quốc tế về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trong ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

6. Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 

a) Hiệu lực thi hành: 14/10/2016.

 

Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (1) Thông tư số 24/2011/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề; (2) Thông tư số 29/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề; (3) Thông tư số 25/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

 

Bãi bỏ các quy định sau: (1) Điều 7, Điều 8 Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường cao đẳng; (2) Chương II và Điều 30 Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 54/2011/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp; (3) Các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường cao đẳng quy định tại Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường cao đẳng, Điều 1 Thông tư số 43/2011/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 10 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT và Quyết định số 37/2000/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 8 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tạm thời Trường cao đẳng cộng đồng; (4) Cụm từ “phân hiệu” tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp; (5) Các quy định về trình độ cao đẳng, trường cao đẳng; Điều 3; điểm b khoản 3 và điểm b khoản 5 Điều 6 Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giáo dục nghề nghiệp và Luật đầu tư năm 2014; thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 26 điều, ban hành kèm theo 08 phụ lục, quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: (1) Thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục; thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập và tư thục; (2) Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (3) Điều kiện, thủ tục cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp.

 

Nghị định áp dụng đối với: (1) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng; (2) Cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.

 

Nghị định này không áp dụng đối với: (1) Việc thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm; việc thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm; (2) Việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Nghị định quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng; chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng; điều kiện, thủ tục đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; điều kiện, thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và điều khoản thi hành.

 

7. Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

a) Hiệu lực thi hành: 25/11/2016.

 

Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thực hiện yêu cầu về việc “rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo phù hợp với quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, bảo đảm tập trung, không trùng lặp về chính sách để phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả” tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội Khóa XIII phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; khắc phục các hạn chế, bất cập của Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gồm 06 chương, 25 điều, quy định về xây dựng kế hoạch; huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; tổ chức, điều phối; theo dõi, kiểm tra và đánh giá trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Quyết định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm; lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm; lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã; giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm và hằng năm; huy động nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; phân bổ chi tiết kế hoạch, dự toán chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm; sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiệu chương trình mục tiêu quốc gia; sử dụng kinh phí được lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; sử dụng nguồn vốn huy động khác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức, điều phối, theo dõi thực hiện, kiểm tra, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

8. Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội.

 

a) Hiệu lực thi hành: 25/11/2016.

 

Chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Quyết định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành về chế độ phụ cấp đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong tình hình hiện nay.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, sửa đổi khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội như sau:

 

“1. Mức phụ cấp:

a) Mức 15%: áp dụng đối với Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán thuộc Tòa án quân sự các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên thuộc Thanh tra quốc phòng; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra hình sự, cơ quan an ninh điều tra các cấp; Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu.

b) Mức 10%: áp dụng đối với Kiểm tra viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Thẩm tra viên và Thư ký tòa án thuộc Tòa án quân sự các cấp; Thẩm tra viên thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu”.

 

9. Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/12/2016.

 

Quyết định này thay thế Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đáp ứng thông tin đầu vào quan trọng cho hệ thống chỉ tiêu quốc gia quy định tại Luật thống kê (gồm 186 chỉ tiêu); đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê phục vụ quản lý, điều hành trong giai đoạn hiện nay.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, ban hành kèm theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia và quy định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Quyết định này.

 

10. Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

 

a) Hiệu lực thi hành: 05/12/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tránh sự chồng chéo, trùng lắp và phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, góp phần động viên khuyến khích lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 chương, 12 điều, quy định về tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chế độ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

 

Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn củalực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụcho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; trang thiết bị cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; trang phục và kinh phí đảm bảo cho các hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của chủ rừng và hiệu lực thi hành.

 

11. Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg 19 ngày tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

 

a) Hiệu lực thi hành: 16/12/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo cơ sở pháp lý để cho tổ chức, cá nhân được sử dụng dịch vụ bưu chính công ích cũng như giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phục vụ người dân, phục vụ xã hội trong việc thực hiện thủ tục hành chính; phù hợp với quy định của Luật bưu chính, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này, các quy định khác của Chính phủ về cải cách hành chính và thông lệ quốc tế.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 chương, 21 điều, quy định về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân (Quyết định này không điều chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết).

 

Quyết định áp dụng đối với: (1) Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính; (2) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; (3) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật bưu chính.

 

Quyết định quy định cụ thể về yêu cầu của việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; các hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; quy trình nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

12. Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

 

a) Hiệu lực thi hành: 19/10/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thực hiện khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định và ban hành kèm theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước áp dụng cho năm ngân sách 2017, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Quyết định này).

 

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước áp dụng cho năm ngân sách 2017 gồm 02 chương, 24 điều, quy định về định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính; phân bổ dự toán chi các đơn vị sự nghiệp công lập; phân bổ dự toán chi quốc phòng, an ninh; phương pháp xác định một số tiêu chí, căn cứ của định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương (gồm: tiêu chí dân số; tiêu chí người thuộc hộ gia đình nghèo; tiêu chí khu, điểm du lịch quốc gia); định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương (gồm: chi sự nghiệp giáo dục; chi sự nghiệp y tế; chi quản lý hành chính; chi sự nghiệp văn hóa - thông tin; chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình; chi đảm bảo xã hội; chi quốc phòng, an ninh; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; chi hoạt động kinh tế; chi thường xuyên khác của ngân sách địa phương); phân bổ đối với những địa phương khó khăn hoặc có dân số thấp và đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương và dự phòng ngân sách.


13. Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/12/2016.

 

b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 12 điều, ban hành kèm theo 03 phụ lục, quy định về việc thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

 

Quyết định áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên; (2) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

Quyết định quy định cụ thể về nguyên tắc hỗ trợ sau đầu tư; điều kiện được hưởng hỗ trợ sau đầu tư; mức hỗ trợ đóng mới tàu; hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau đầu tư; trình tự, thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ; nguồn kinh phí thực hiện và cấp tiền hỗ trợ sau đầu tư; lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí; chế độ báo cáo; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.


14. Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/12/2016.

 

Quyết định này áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn 2017 - 2020.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành làm cơ sở xây dựng kế hoạch phân bổ vốn trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của địa phương, tạo sự công khai, minh bạch trong quá trình phân bổ vốn.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

 

Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm 03 chương, 14 điều, quy định: Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước, của các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước và là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

 

Quy định này áp dụng đối với: (1) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020.

 

Quy định này quy định cụ thể về tiêu chí phân bổ vốn; xác định hệ số của từng tiêu chí theo từng dự án; tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và tổ chức thực hiện.

 

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2016, Bộ Tư pháp xin thông báo.

 

 

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- TT Trần Tiến Dũng (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Báo Điện tử Chính phủ;

- Cục CNTT Bộ Tư pháp (để đăng tải);

- Báo Pháp luật Việt Nam (để đăng tải);

- Vụ PBGDPL;

- Lưu: VT, VP.

 

TL. BỘ TRƯỞNG

CHÁNH VĂN PHÒNG

(Đã ký)

Đỗ Đức Hiển

 

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9