THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thán

 
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2016
9/7/2016 12:00:00 AM
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2016
Theo nguồn Cổng Thông tin Chính phủ

BỘ TƯ PHÁP

___________

Số: 2274/TCBC-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________
Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2016

 

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

 

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

ban hành trong tháng 6 năm 2016

 

___________________________________

 

 

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2016 như sau:

 

 

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

 

 

Trong tháng 6 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 07 Nghị định của Chính phủ và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

 

1. Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

 

2. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 

3. Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 

4. Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

 

5. Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

6. Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

 

7. Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

 

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

 

1. Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

 

2. Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

3. Quyết định số 25/2016/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng.

 

 

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

 

 

1. Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/7/2016.

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và đã có quyết định hoặc kết quả xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền thì áp dụng Nghị định số 155/2013/NĐ-CP để xử lý).

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 155/2013/NĐ-CP; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về kế hoạch và đầu tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư; dự báo tình hình, hoạch định cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 60 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt, vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Nghị định này bao gồm các hành vi sau: (1) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; (2) Vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài; (3) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý đấu thầu; (4) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

 

Nghị định quy định cụ thể về đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; mức phạt tiền trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đấu thầu, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Quản lý thị trường; phân định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư, Thuế và Quản lý thị trường; xác định thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

2. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016 (các quy định tại Nghị định này thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016).

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 50/2013/NĐ-CP; đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành có liên quan (như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…) và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 điều, quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ (bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; (2) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty; (3) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với công ty; (4) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động tại công ty.

 

Nghị định quy định cụ thể về quản lý lao động; thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; xác định quỹ tiền lương kế hoạch; xác định quỹ tiền lương thực hiện; phân phối tiền lương; tiền thưởng; trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.

 

3. Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016 (các chế độ quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016).

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 51/2013/NĐ-CP; đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành có liên quan (như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…) và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 điều, ban hành kèm theo 02 phụ lục, quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bao gồm: (1) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; (2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người quản lý công ty chuyên trách và người quản lý công ty không chuyên trách (bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; Thành viên Hội đồng thành viên; Trưởng ban kiểm soát; Kiểm soát viên; Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (không bao gồm Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động); (2) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với công ty; (3) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty.

 

Nghị định quy định cụ thể về xếp lương đối với người quản lý công ty chuyên trách; nguyên tắc xác định, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng; xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện; quỹ tiền thưởng; trả lương, thù lao, tiền thưởng; trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.

 

4. Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; phù hợp với nguyện vọng của các cổ đông, bảo đảm được vai trò quản lý của Nhà nước mà không làm hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 12 điều, quy định một số nội dung về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng để người đại diện phần vốn nhà nước tham gia, biểu quyết tại cuộc họp của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, cuộc họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ.

 

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty; (2) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty; (3) Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

 

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng; về lao động, tiền lương của người lao động; về tiền lương, thù lao của người quản lý công ty; yếu tố khách quan khi xác định tiền lương, thù lao; tiền thưởng, phúc lợi; trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước; trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hiệu lực thi hành.

 

5. Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.

 

Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Điều 1 Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các tồn tại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ; đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 19 điều, quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập do các cơ quan có thẩm quyền thành lập quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và công nghệ (không áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập là cơ sở giáo dục đại học; tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan).

 

Nghị định quy định cụ thể về quyền tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; các loại nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập sử dụng ngân sách nhà nước; chính sách ưu đãi đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập; giao dịch tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; nghĩa vụ tài chính và Quy chế chi tiêu nội bộ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; tự chủ về tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; tự chủ về tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy; tự chủ về nhân sự; tự chủ về quản lý, sử dụng tài sản; việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập thành công ty cổ phần; trình tự giao quyền tự chủ cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập; trách nhiệm của các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan.

 

6. Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội và Điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, quy định về việc điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, cán bộ xã đã nghỉ việc; trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

 

Nghị định quy định cụ thể về đối tượng điều chỉnh, thời điểm và mức điều chỉnh đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, cán bộ xã đã nghỉ việc; trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995; kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

 

7. Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/8/2016.

 

Nghị định này bãi bỏ các quy định sau đây: (1) Quy định về việc xem xét, quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương đối với trường hợp người nghiện ma túy vi phạm cam kết tự nguyện điều trị nghiện, cai nghiện tại điểm b khoản 4 Điều 29 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP; (2) Quy định về việc không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với trường hợp người nghiện ma túy đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn đang tham gia chương trình điều trị nghiện, cai nghiện ma túy tại Điều 37 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục về các biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp thay thế xử lý hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4, khoản 2 và 3 Điều 10, Điều 13, Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 4 Điều 29, Điều 35, khoản 3 Điều 43; sửa đổi khoản 4 Điều 9, khoản 5 Điều 11, khoản 3 Điều 18, điểm g khoản 5 Điều 18, khoản 2 Điều 22, Điều 37; bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 13, bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 18, bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 29, bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35, bổ sung các điểm k1, k2 và k3 vào sau điểm k khoản 1 Điều 38 của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

 

8. Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

 

a) Hiệu lực thi hành: 25/7/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục, hồ sơ, đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản; tạo cơ chế tổ chức phối hợp thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn cho bảo vật quốc gia, phục vụ có hiệu quả hoạt động văn hóa đối ngoại trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 12 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

 

Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia.

 

Quyết định quy định cụ thể về các trường hợp đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; nguyên tắc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; hồ sơ đề nghị đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; trình tự, thủ tục đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước; trình tự, thủ tục đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; trình tự, thủ tục đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài theo kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản; Hội đồng xác định giá trị bằng tiền để mua bảo hiểm cho bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài; trách nhiệm phối hợp thực hiện; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

 

9. Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

a) Hiệu lực thi hành: 01/8/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm động viên tinh thần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 6 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định mức trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Quyết định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thẩm quyền chi trả trợ cấp; mức trợ cấp một lần; nguồn kinh phí thực hiện; hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

 

10. Quyết định số 25/2016/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng.

 

a) Hiệu lực thi hành: 15/8/2016.

 

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan trong việc quản lý lực lượng, phương tiện ra vào Cảng quốc tế Cam Ranh, đáp ứng yêu cầu khai thác Cảng đảm bảo an ninh, an toàn; phù hợp với chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 02 điều, ban hành kèm theo Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng.

 

Theo đó, Quy chế này gồm 07 chương, 30 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về cơ chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng (bao gồm pPhạm vi giới hạn của Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ; quản lý người và các loại phương tiện của Việt Nam, của nước ngoài vào, rời, hoạt động trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh).

 

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng các dịch vụ tại Cảng quốc tế Cam Ranh.

 

Quy chế quy định cụ thể về phạm vi giới hạn Cảng quốc tế Cam Ranh; hạ tầng kỹ thuật Cảng quốc tế Cam Ranh; dịch vụ được thực hiện trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh; bảo đảm tài chính đối với hoạt động đối ngoại trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý hoạt động của người và tàu thuyền tại vùng nước Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý hoạt động thương mại; quản lý các hoạt động dịch vụ y tế, du lịch, thể thao và hoạt động đối ngoại quốc phòng; trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức tại Cảng quốc tế Cam Ranh; trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương; giải quyết khiếu nại, tranh chấp; xử lý vi phạm và điều khoản thi hành.

 

 

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- TT, CVP Trần Tiến Dũng (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Báo Điện tử Chính phủ;

- Cục CNTT Bộ Tư pháp;

- Báo Pháp luật Việt Nam;

- Vụ PBGDPL;

- Lưu: VT, VP.

TL. BỘ TRƯỞNG

KT. CHÁNH VĂN PHÒNG

PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG

(Đã ký)

Phan Anh Tuấn

 

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9