Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chống hàng giả, nói phải đi đôi với làm

 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chống hàng giả, nói phải đi đôi với làm
6/12/2016 12:00:00 AM
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chống hàng giả, nói phải đi đôi với làm
Theo nguồn Báo điện tử Thương hiệu và Công luận (THCL) - “Khi triển khai công tác chống hàng giả, hàng nhái, cần quán triệt quan điểm liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nói phải đi đôi với làm, không chấp nhận tiếp tay, bảo kê cho vi phạm”.

 

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

 

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức sáng nay, 30/11 tại Hà Nội.

 

Trình bày diễn văn khai mạc, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Vatap cho biết, năm nay, Hiệp hội Vatap phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày chống hàng giả, hàng nhái” trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sôi động nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời tính cạnh tranh trong hoạt động kinh tế thương mại ngày càng mạnh mẽ.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Vatap đã triển khai nhiều hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động các DN tham gia công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu

 

Tuy nhiên, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền dự báo vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi và mang nhiều yếu tố nước ngoài, đòi hỏi công tác chống hàng giả phải quyết liệt, đồng bộ và có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn.

 

Nguyên nhân là do thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là hàng giả từ nước ngoài đưa vào; Tổ chức hoạt động lực lượng thực thi còn chưa hiệu quả. Thêm nữa, về luật pháp còn nhiều quy định trùng lắp, không rõ và hạn chế đến hiệu lực  hiệu quả xử phạt vi phạm.

 

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Vatap

 

Đưa ra kiến nghị để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch Vatap đưa ngoài giải pháp về quản lý và mô hình tổ chức quản lý; về cải cách công tác hành chính, pháp luật; về kiểm tra, kiểm soát thị trường và giám định; về kinh phí cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát; Chủ tịch Vatap nhấn mạnh tới giải pháp quản lý nguồn hàng nhập Việt Nam.

 

Trong đó, ngăn chặn cho được tình trạng hàng Trung Quốc chất lượng kém hơn được nhập về Việt Nam dập lại rồi bán rẻ hơn, cạnh tranh quyết liệt với hàng nội địa. Đồng thời gắn kết việc tổ chức thực hiện kiểm tra trong nội địa và kiểm soát ở biên giới.

 

Chống hàng giả là nhiệm vụ cấp bách và hết sức quan trọng đối với DN. Nội dung tham luận của DN tham dự buổi lễ tập trung vào các đề xuất, kiến nghị khắc phục tình trạng quy định chồng chéo giữa các văn bản của các bộ, cơ quan ban hành; tình trạng sản xuất, kinh doanh cà phê giả, kém chất lượng, cà phê bẩn, ảnh hưởng tới thị trường cà phê trong nước; vấn nạn về hàng mỹ phẩm bị làm giả, làm nhái trên thị trường….

 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia biểu dương các lực lượng chức năng, Hiệp hội Vatap và các doanh nghiệp vì đã nỗ lực, tham gia tích cực trong việc chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt.

 

“Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề ra của Chính phủ. Các lực lượng thực thi pháp luật cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này. Thời gian tới, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại, từ đó hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn và mang yếu tố nước ngoài.

 

Chính phủ mới được xây dựng theo hướng kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân doanh nghiệp. Chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của Chính phủ. Chính vì thế, khi triển khai cần quán triệt quan điểm nêu trên, hành động thiết thực, nói phải đi đôi với làm, liêm chính, không chấp nhận tiếp tay, bảo kê cho vi phạm, vì doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

 

Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan thực thi cần chỉ đạo và thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng để công tác này ngày càng hiệu quả, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

 

Đặc biệt, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng đến chất lượng của vật nuôi, cây trồng, làm cho cuộc sống của người nông dân vốn đã khó khăn càng thêm điêu đứng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta.

 

Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng này. Đồng thời, trong nội địa cần kiểm soát, không để các mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tập trung phá cho được những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả.

 

Phó Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, trong sản xuất kinh doanh, trước hết doanh nghiệp phải bảo đảm hàng hoá, sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, cải tiến kỹ thuật, hạ giá thành… Đây chính là giải pháp cơ bản để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái hiện nay.

 

Trong khuôn khổ buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã trao Bằng khen cho 15 đơn vị có thành tích trong công tác tuyên truyền, chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp hội Vatap cũng trao Bằng khen cho 10 doanh nghiệp hội viên.

 

 

Đoàn Huế

 

 

 

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9