Kinh tế Việt Nam 2018 - 2020: Đổi mới tư duy để bứt phá

 
Kinh tế Việt Nam 2018 - 2020: Đổi mới tư duy để bứt phá
17/5/2018 12:00:00 PM
Kinh tế Việt Nam 2018 - 2020: Đổi mới tư duy để bứt phá

THCL - Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể. (Ảnh minh họa)

 

Có nhiều lý do để tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm...

 

Khẳng định vị thế

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, như chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực...

 

Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

 

Niềm tin trong nhân dân và cộng đồng DN vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường. Thành tựu này đã đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng về một tương lai tốt đẹp của đất nước trước những chuyển biến mạnh mẽ của bối cảnh trong nước và quốc tế.

 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2018 rất khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%.

 

Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

 

Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt, thương mại toàn cầu phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế thế giới.

 

Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP...

 

Đổi mới tư duy

 

Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, có 3 điều băn khoăn mà TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nêu lên với mong muốn tìm được hướng giải quyết.

 

“Trong 1 năm qua, cải cách thể chế đã tiến triển nhưng nói chung còn chậm, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh, trên vội dưới khoan”. Sự chuyển động phải ở cả hệ thống chứ không thể chỉ người đứng đầu. Để làm được điều đó, phải có thể chế, chế tài. Đây là vấn đề cấp bách, chỉ có như vậy danh mục về điều kiện kinh doanh, các giấy phép con mới nhanh chóng giải quyết được trong thời gian sớm nhất.

 

Để triển khai được, quan trọng là đảm bảo chất lượng các văn bản pháp luật. “Trên vội dưới cũng phải vội”, đó là thông điệp về vấn đề phải làm trước mắt. Còn trung hạn là cấu trúc lại bộ máy thể chế để hình thành đúng nghĩa một nhà nước kiến tạo, phát triển.

 

 Đó là vấn đề phải khẩn trương nghiên cứu hình thành từ bây giờ để phục vụ cho một giai đoạn mới, bằng một cách cách nhìn và luật chơi mới chứ không chỉ có tháo gỡ khó khăn, vướng cản mà giai đoạn trước để lại”, TS. Thắng chỉ rõ.

 

Đưa ra một cách nhìn khác, TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM đặt câu hỏi: Kết quả của cải cách đã đạt được kỳ vọng của cộng đồng DN hay chưa? Muốn tạo ra động lực phát triển thì cải cách cũng có một phần nhiệm vụ.

 

Vấn đề lớn nhất hiện này về cải cách thể chế là áp lực về thời gian. Cải cách đang diễn ra rất chậm. Cùng với tinh thần của Nghị quyết 19, vào tháng 8 năm ngoái, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ xóa bỏ rào cản điều kiện kinh doanh nhưng đến nay đã gần 1 năm, mới hiện thực hóa bằng việc Bộ Công thương xoá bỏ 50% điều kiện kinh doanh, còn cơ bản vẫn nằm trên phương án hoặc dự thảo.

 

“Quy mô và phạm vi cải cách còn xa so với kỳ vọng, mới đang ở giai đoạn xoá bỏ các rào cản mà chưa tính tới yếu tố thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, tính thích nghi của chính sách còn rất chậm. Tôi cho rằng, kỳ vọng của cộng đồng DN là rất lớn, đòi hỏi sự tích cực đổi mới hơn nữa.

 

Thời gian qua, cộng đồng DN kỳ vọng vào các luật như Luật Đầu tư, Luật Đặc khu…, nhưng tôi cho rằng, luật về an ninh điện tử, luật an ninh mạng, nhìn thì tưởng không liên quan nhưng kỳ thực nó tác động ngay và trực tiếp đến cộng đồng DN.

 

Cách đây 2 tuần, khi gặp và làm việc với Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á, tôi thấy xu hướng và tư duy của họ rất khác. Quan điểm họ đưa ra là khi chưa có luật, các bạn có ý tưởng gì thì kinh doanh đi, luật đến sau sẽ thúc đẩy và đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh đó. Theo tôi, tư tưởng như vậy cần phải được khuyến khích”, ông Hiếu chia sẻ.

 

3 định hướng mới

 

Đề cập tới vấn đề thu hút FDI, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, 30 năm qua, FDI đóng góp nhiều thành tựu quan trọng, nhưng phải thừa nhận còn tồn tại không ít hạn chế. Do đó, cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm để Việt Nam thu hút FDI hiệu quả hơn.

 

“Cũng cần phải lưu ý tới 3 định hướng phát triển đó là tăng trưởng xanh, bền vững. Chúng ta nhắc tới cuộc cách mạng 4.0 rồi công nghiệp hóa và sắp tới, sẽ phải làm gì để không đi vào vết xe đổ. Đây là định hướng quan trọng để thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

 

Để làm được điều đó, phải có cải cách toàn diện về quản lý nhà nước, về đầu tư nước ngoài. Cục Đầu tư nước ngoài đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về Đề án chiến lược FDI thế hệ tiếp theo. Theo đó, thời gian tới, cuộc cạnh tranh về FDI rất khốc liệt, chỉ có các nước có cải cách cơ bản về cách tiếp cận với FDI mới có thể đem lại hiệu quả.

 

Cụ thể đó là thay đổi cách tiếp cận với nhà đầu tư. Cần phải tiến hành xúc tiến đầu tư có địa chỉ, không tràn lan như hiện nay. Nếu làm tốt 3 việc trên, chắc chắn chúng ta không quá lo ngại về cả chất và lượng trong đầu tư FDI”, GS. Mại nhấn mạnh.

 

Về một số ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào FDI. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vấn đề này không đáng lo ngại.

 

Bởi FDI đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Mặt khác, phải đặt vấn đề làm thế nào kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bắt kịp tốc độ của khu vực FDI.

 

Cần phải nâng chuẩn lên cùng với chuẩn của DN FDI thì chúng ta mới liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị được. Còn nếu FDI phát triển với tốc độ nhanh, Việt Nam không tự đôi rmowis thì không thu hẹp được khoảng cách và càng không thể liên kết được. Đó là bài toán đặt ra cho Chính phủ và DN.

 

Từ thực tiễn 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu để có định hướng mới, kết nối 2 khu vực thành thống nhất, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.

 

Theo Thương hiệu & Công luận: Trần Nguyên

 

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9