Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế tư nhân

 
Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế tư nhân
6/4/2016 12:00:00 AM
Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế tư nhân
Theo nguồn Cổng Thông tin Chính phủ (Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đối thoại định kỳ với DN tư nhân, giải quyết ngay những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn, xây dựng khung khổ thể chế, bảo đảm việc thực thi chính sách pháp luật thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đối thoại định kỳ với DN tư nhân, giải quyết ngay những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn, xây dựng khung khổ thể chế, bảo đảm việc thực thi chính sách pháp luật thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngày 3/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao chất lượng của những kiến nghị cũng như tâm huyết của đại diện các DN tư nhân tại Diễn đàn.

Là cơ hội hết sức quan trọng để Chính phủ lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, các đối tác để Chính phủ tiếp thu và trình Quốc hội những quyết sách nhằm hỗ trợ DN phát triển để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu DN.


Cải thiện thể chế gắn với phát triển thị trường

Trong khuôn khổ và thời gian có hạn của Diễn đàn, đối với những kiến nghị của DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra một số quan điểm  với một số trọng tâm.

Thứ nhất, về môi trường kinh doanh, Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, tạo mọi điều kiện để mọi DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp có điều kiện phát triển thuận lợi nhất.

 

Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đối thoại định kỳ với DN tư nhân, giải quyết ngay những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn, xây dựng khung khổ thể chế, bảo đảm việc thực thi chính sách pháp luật thông suốt từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng chính sách thì đúng nhưng thực thi kém tại các cấp trực tiếp.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định những cơ chế ưu đãi, phải công khai minh bạch. Chính phủ chỉ hỗ trợ những DN có tiềm năng, tự đứng vững trên đôi chân của mình, phát triển nhờ năng lực sáng tạo.

 

Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, DN và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; ngược lại, các DN cần phải tận dụng được những lợi thế này.

 

Thứ hai, về nguồn lực, Chính phủ sẽ có các biện pháp để điều phối hiệu quả các nguồn lực theo các quy luật thị trường, đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận và giám sát sử dụng hiệu quả. Trong đó,  Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh việc cổ phẩn hóa các DNNN, minh bạch trong hoạt động các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Cho phép các DN tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thế mạnh. Tiếp tục đa dạng hóa huy động các nguồn lực, tập trung hoàn thiện thể chế để mọi DN tư nhân có thể tham gia các dự án phù hợp.

 

Cùng với tái cơ cấu DNNN, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế để thúc đẩy DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa. Đưa Quỹ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động hiệu quả, tiếp tục kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa các quỹ đầu tư, đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để hỗ trợ DN khởi nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ cam kết cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ gánh nặng cho DN khỏi những chi phí không chính thức, hoạt động thanh tra, kiểm tra gây phiền nhiễu, không hình sự hóa các quan hệ dân sự…

 

Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những trọng điểm thời gian này là tháo gỡ vướng mắc các loại thị trường, kể cả thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tiền tệ), thị trường lao động, bất động sản và thị trường khoa học, công nghệ. Nếu không tháo gỡ khó khăn của 5 loại thị trường cũng như các yếu tố thị trường thì sự phát triển sẽ gặp trở ngại.

 

Ngoài ra, Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khuyến khích tinh thần “khởi nghiệp” nhất là trong thanh niên.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục những đổi mới mạnh mẽ theo định hướng mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Do đó, Chính phủ rất cần sự đóng góp trí tuệ của mọi tầng lớp, mà trong đó Diễn đàn Kinh tế tư nhân là một hoạt động thiết thực, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, đoàn kết của cộng đồng DN. Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần nghiên cứu tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân thường niên, cũng như các cuộc đối thoại thường xuyên, nhằm tập hợp ý kiến đông đảo của cộng đồng DN, nhưng nội dung phải đa dạng, đồng thời có tính chuyên sâu hơn.

 

“Các ý kiến, kiến nghị hôm nay sẽ được Văn phòng Chính phủ tập hợp, để Chính phủ căn cứ giao cho các Bộ, ngành nghiên cứu để đưa ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định với các DN.

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Thẳng thắn chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho biết: Trong không khí cởi mở, tại diễn đàn, các hiệp hội và lãnh đạo DN trao đổi các ý kiến, thảo luận về 10 chủ đề bao gồm 7 ngành và 3 lĩnh vực. Tại đây các doanh nhân sẽ cùng nhau trao đổi để tìm tiếng nói chung và những thách thức phải đối mặt từ đó đề ra các giải pháp, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen kiến nghị, thể chế cần liên tục cải cách với thước đo cụ thể như nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh trên bản đồ thế giới, nâng cao chỉ số đào tạo và giáo dục quốc gia, thứ hạng môi trường kinh doanh hấp dẫn, đặt mục tiêu mỗi năm tăng dần trong bảng xếp hạng chung của toàn cầu.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tiếp tục hướng dẫn DN vận dụng cơ chế của hệ thống thương mại đa biên như chống bán phá giá, các biện pháp kỹ thuật, các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, thôn tính, cạnh tranh không lành mạnh.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong thực hành “một điểm dừng”, đăng ký kinh doanh, thông quan, khai thuế, xúc tiến thương mại và đầu tư (chú trọng đầu tư trong nước), hoạch định và thực thi hữu hiệu hơn chính sách an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn môi trường… để dịch vụ công và quản trị kinh doanh đuổi kịp và đi trước yêu cầu phát triển.

Về vấn đề vốn, chuyên gia Johan Nyvene - Chủ tịch phiên thảo luận Thị trường tài chính và huy động vốn, cho rằng, cộng đồng DN tư nhân hiện đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó việc tiếp cận nguồn huy động vốn có ảnh hưởng đến sự sống còn cũng như phát triển dài hạn của DN. Sau gần 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển tương đối nhưng khả năng huy động vốn của các DN trên thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Johan Nyvene mong muốn cơ quan hữu quan với tư cách là nhà hoạch định chính sách, sớm có quy định và cơ chế hỗ trợ khơi thông dòng vốn vào thị trường chứng khoán, cân bằng lại thị trường. Cùng với đó, ông Johan Nyvene lưu ý các DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, không chỉ thông qua kế hoạch kinh doanh tốt và chứng minh được năng lực sử dụng vốn mà còn thực hành tốt hoạt động quản lý rủi ro và minh bạch thông tin. Các DN cần bắt đầu với việc sử dụng kiểm toán độc lập cho các báo cáo tài chính của mình.

Đại diện ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá thị trường tài chính đang mất cân bằng, thị trường vốn chưa phát triển, DN còn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng. 

Việc phát triển thị trường tài chính cân bằng là nhiệm vụ Chính phủ đặc biệt quan tâm, giúp đa dạng hóa các kênh huy động vốn của DN.  NHNN chỉ đạo tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay tỷ trọng tín dụng cho DNNN chỉ còn 15-17%, tín dụng khu vực tư nhân được tăng nhiều thời gian qua. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT cho rằng, cần vận dụng sức vươn của Internet vào phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế qua công cụ ảo; đưa những định hướng phát triển và cơ chế quản lý dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng thông thoáng vào cuộc sống và kinh doanh.

Sự chuyển dịch sang nền kinh tế số đòi hỏi cả sự lớn mạnh của một hệ sinh thái có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy DN mới tham gia vào nền kinh tế Internet cũng như những tương tác, gắn kết giữa nền kinh tế Internet với nền kinh tế truyền thống.

Huy Thắng

Danh mục
Tin mới
Đối tác
  • acf.org.vn
Quảng cáo
  • Thanh tra
  • công luận
Thống kê truy cập
Quảng cáo
    kh1kh2kh3kh4kh5kh6kh7kh8kh9